Bài 5: Xây dựng Quản lý thị trường, giải bài toán bằng những phép tính căn cơ, phù hợp xu thế, đâu là điều đáng suy ngẫm
Bài 1: Cùng nhìn lại những chuyến hàng xưa
Bài 2: Quản lý thị trường, những bước chân truy vết
Bài 3: Những bước chuyển mình lên ngành dọc
Bài 4: Tự sự “những nút thắt tưởng chừng không tháo gỡ”
Tôi còn nhớ như in sau ngày thành lập Tổng cục Quản lý thị trường (12/10/2018), đồng chí Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng, người chân ướt chân ráo được điều động từ “Bộ Công Thương” về làm “Tổng cục trưởng” để chèo lái con thuyền sau ngày hợp nhất ngành dọc.
Với biết bao lo toan, bề bộn công việc những ngày đầu mới thành lập, là một Thủ trưởng chưa có kinh nghiệm trong công tác quản lý thị trường, chúng tôi phần nào thêm hiểu và chia sẽ với những lo toan của anh. Và rồi câu chuyện “setup” lực lượng đã được anh tính toán, đưa ra phương án, lộ trình với những phương châm, giải pháp đúng hướng, đúng thời điểm để có được những bước tiến như ngày hôm nay. Chúng ta cùng điểm lại 05 hướng đi đã được Tổng cục trưởng sáng suốt lựa chọn đó là: Ổn định kiện toàn tổ chức, Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Xây dựng hoàn thiện hạ tầng pháp lý, Ứng dụng công nghệ thông tin, Thông tin truyền thông.
Chúng ta có bao giờ tự hỏi, nếu sau ngành thành lập mà chúng ta chọn 05 hướng đi khác thì sao? Hay nếu chúng ta chọn ít hơn hoặc nhiều hơn 05 hướng đi thì sao nhỉ? Có thể khó có câu trả lời duy nhất, bởi lẽ, nếu nhìn lại chặng đường đã qua và những gì đã lựa chọn thì có lẽ đó chính là câu trả lời đầy đủ nhất cho chúng ta.
Thành quả có được ngày hôm nay là một lực lượng ngành dọc tương đối hoàn chỉnh về bộ máy, chất lượng đội ngũ công chức được nâng lên hằng năm, hạ tầng pháp lý ngày càng được hoàn thiện, nhất là pháp lý của lực lượng QLTT; câu chuyện về ứng dụng công nghệ thông tin thì có lẽ không cần phải bàn nữa, nó là sự thay đổi toàn diện với một hệ thống INS vận hành tương đối trơn tru, xóa bỏ hẳn hệ thống ấn chỉ truyền thống và một vệ tinh với nhiều phần mềm ứng dụng phục vụ đắc lực cho hoạt động công vụ. Câu chuyện truyền thông đã mang lại nhiều thành quả, hình ảnh lực lượng QLTT đã được người dân biết đến kịp thời, thường xuyên và tích cực hơn; nhiều tạp chí, ấn phẩm, ứng dụng, mạng xã hội, cổng thông tin điện tử của lực lượng QLTT đã được người dân mở xem với lượng truy cập tăng đột biến. Chính bản thân mỗi chúng ta, những công chức QLTT đều cảm nhận được sự thay đổi tích cực đến từ 05 hướng đi đó. Vậy phải chăng nếu chúng ta vẫn cứ bước tiếp những hướng đi đó thì sẽ tháo gỡ được nút thắt. Theo quan điểm của tác giả, với xu thế vận hành của xã hội hiện nay, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, phù hợp chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nội tại của lực lượng thì chúng ta cần giải bài toán bằng những phép tính căn cơ, phù hợp xu thế, đâu là điều đáng suy ngẫm. Hãy cùng tôi phân tích nhé.
Thứ nhất, chủ động giám sát, phòng ngừa 24/7
Như chúng ta biết, hiện nay công tác quản lý thị trường phải đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn khi mà các đối tượng, hành vi vi phạm khó lường, tinh vi và diễn ra mọi lúc, mọi nơi; nó không còn là những hành vi dễ nhận biết ở môi trường truyền thống để chúng ta có thể tìm kiếm, khám xét, truy vết nữa. Nó đòi hỏi lực lượng QLTT phải thực sự chủ động để giám sát một cách thường xuyên, ngày cũng như đêm, thậm chí hoạt động kinh doanh diễn ra về ban đêm có xu hướng gia tăng khi công nghệ số, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, hoạt động livestream có những đối tượng thực hiện cả đêm. Nếu chúng ta vẫn áp dụng hình thức kiểm tra, kiểm soát truyền thống theo giờ hành chính thì có lẽ không bao giờ chúng ta bắt kịp với xu thế của thực tiễn. Bên cạnh đó, với chức năng phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật thì đòi hỏi lực lượng QLTT phải làm tốt khâu phòng ngừa bên cạnh hoạt động giám sát. Nếu chúng ta chủ động và biết cách phòng ngừa thì các đối tượng, hành vi vi phạm khó có đất để diễn. Nếu ví xã hội như một cơ thể sống, các khuyết tật của nền kinh tế thị trường như hàng giả, hàng kém chất lượng .v.v. là một căn bệnh nguy nan. Thì rõ ràng bài toán “phòng bệnh” vẫn hiệu quả hơn “chữa bệnh” rất nhiều lần, vừa giảm được thời gian, chi phí, hậu quả cho xã hội. Nếu phòng ngừa đúng cách thì chúng ta dễ dàng phát hiện và triệt tiêu nó, không để nó bùng phát, con đường này thực sự đơn giản và thuận lợi hơn rất nhiều khi chúng ta để nó bùng phát rồi đi tìm kiếm. Do vậy, đây có lẽ là hướng đi, là giải pháp căn cơ cần sớm thực hiện hiệu quả và đồng bộ.
Thứ hai, tấn công hàng giả trên môi trường mạng
Hàng giả là một vấn đề không chỉ làm nhức óc các nhà quản lý mà nó thực sự là một vấn nạn của các quốc gia, trong đó có Việt Nam chúng ta. Câu chuyện chống hàng giả đã được nhiều học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp. Song chung quy lại đây vẫn là một nút thắt khó tháo gỡ. Với góc độ của lực lượng QLTT, hàng giả là một mặt hàng khó tìm kiếm, xác minh ngay cả khi nó được trao đổi, mua bán tại các chợ truyền thống, thậm chí là nếu chúng ta cầm nắm, sử dụng nó thì đa phần cũng không xác định được là giả hay thật vì nó được sản xuất hết sức tinh vi. Bên cạnh đó với tâm lý “sính ngoại”, tiền không có nhiều nhưng lại thích dùng hàng ngoại càng khiến cho mặt hàng này có cơ hội để len lỏi vào thị trường, ngay cả ở những vùng quê heo hút. Chống hàng giả bằng phương thức truyền thống đã khó, nay với xu hướng công nghệ 4.0 và sự chuyển đổi số mạnh mẽ thì hàng giả xuất hiện ngày càng nhiều trên môi trường mạng. Do vậy công tác quản lý thị trường cần phải tấn công mặt hàng này trên môi trường mạng thì mới hiệu quả, mới bắt kịp với xu hướng của hoạt động giao thương. Trong khi môi trường này đòi hỏi mỗi công chức QLTT phải có kiến thức, kỹ năng tìm kiếm, chứng minh các vi phạm, các đối tượng vi phạm dễ dàng ẩn mình, xóa dấu vết. Vậy nên nhiệm vụ này cần phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm nếu chúng ta muốn có một thị trường thương mại văn minh.
Thứ ba, chuyển đổi số toàn diện
Với xu thế phát triển của thế giới ngày nay, Đảng, Nhà nước đã xác định “chuyển đổi số” là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, quan trọng cần thực hiện. Nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật được đưa ra để giải quyết bài toán “chuyển đổi số”. Rõ ràng trong xu thế đó, lực lượng QLTT cần sớm bắt nhịp để thực hiện tốt hoạt động công vụ. Với giai đoạn phát triển đầu tiên của lực lượng, chúng ta chỉ đặt ra mục tiêu khiêm tốn là “ứng dụng công nghệ thông tin” nhưng rõ ràng giai đoạn hiện nay thì chúng ta phải thực hiện chuyển đổi một cách “toàn diện” thì mới thích ứng được với thời cuộc. Tuy nhiên câu chuyện “cơ sở hạ tầng” và “kiến trúc thượng tầng” mà Marx và Ph.Ăng-ghen đưa ra chắc hẳn đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Để “chuyển đổi số toàn diện” thì yếu tố tiên quyết ở đây chính là “nhân lực”. Không chỉ về số lượng mà cần phải đảm bảo về chất lượng. Do vậy bài toán này cần phải có lời giải cho việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức QLTT hiện nay, từ những công chức mới vào nghề đến những “lão làng” đầy kinh nghiệm. Chúng ta phải có một hệ thống đào tạo chính quy, bài bản, phải có sự trao đổi, sẽ chia giữa các thế hệ và mỗi cá nhân phải không ngừng học hỏi, học tập để thích ứng với công cuộc “chuyển đổi số”.
Thứ tư, cấp đội là hạt nhân
Hiện nay, cùng với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường thì hoạt động quản lý địa bàn là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường. Chúng ta sẽ chỉ phát hiện được vi phạm trên thị trường khi làm tốt công tác cài cắm cơ sở, nắm bắt kịp thời thông tin về các đối tượng, kho hàng, phương thức vận chuyển, mua bán hàng hóa. Vậy để sâu sát, nắm chắc địa bàn thì chúng ta phải xác định “cấp đội” chính là “hạt nhân” để xây dựng lực lượng. Nếu “gia đình” là một tế bào của “xã hội” và phát triển “xã hội” phải lấy “tế bào gia đình” làm gốc, làm hạt nhân thì câu chuyện phát triển lực lượng QLTT cũng cần phải xác định “đội” chính là một tế bào quan trọng, là hạt nhân sống còn để phát triển lực lượng. Do vậy cần phải thực sự quan tâm, có giải pháp phù hợp để phát triển các đội QLTT về con người, trụ sở, kinh phí, trang thiết bị, phương tiện làm việc, thiết bị nhận biết, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật. Bài toán này cần phải có lộ trình phù hợp, hướng đi rõ ràng và nhất quán, thậm chí phải mạnh dạn xây dựng đề án, giao việc để cấp đội thực sự chủ động về mọi mặt.
Thứ năm, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu
Có lẽ, chưa bao giờ câu chuyện “trách nhiệm” hết sức nóng, bởi các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hiện nay hết sức đề cao vai trò “trách nhiệm”, nhất là của những người đứng đầu, trách nhiệm nêu gương. Nếu bản thân mỗi chúng ta luôn có trách nhiệm tốt với công việc, luôn sẵn sàng đi đầu, nêu gương trong mọi việc thì rõ ràng hiệu quả hoạt động của tập thể sẽ được nâng cao và ngược lại. Đối với lực lượng QLTT thì câu chuyện về “”trách nhiệm” lúc này có lẽ còn cao hơn bao giờ hết, bởi tính phức tạp, nhiều rủi ro, nhạy cảm của nghề đòi hỏi mỗi công chức phải “tự giác”, “dám nghĩ”, “dám làm” và “dám chịu trách nhiệm”. Vai trò của người đứng đầu hiện nay cần phải được coi trọng và phát huy hơn nữa. Năm 2022, có lẽ là một năm của chủ đề này khi tất cả người đứng đầu “Cấp Tổng cục”, “Cấp Cục” và “Cấp Phòng, Đội” đều thực hiện ký cam kết về “”trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu ở đâu đó hãy còn những sai phạm thì rõ ràng người đứng đầu ở đấy chưa thực sự làm tròn trách nhiệm của mình. Vậy nên giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm này cần phải được thực hiện triệt để, sâu sát và mang lại hiệu quả thực sự.
Hy vọng với 05 hướng đi mới này sẽ là những điều đáng suy ngẫm để chúng ta biến ý tưởng thành hành động, sẽ mang lại những thành quả ngọt ngào nhất cho lực lượng chúng ta. Hy vọng sau 05 năm nữa, tôi lại được viết một bài viết để nêu lại thành quả và những hướng đi đúng đắn như giây phút tôi đang viết bài viết này. Hãy cùng nhau cố gắng để xây dựng lực lượng và gặt hái những điều tốt đẹp nhất các bạn nhé. Bạn đọc nếu yêu mến những bài viết của tôi, xin hãy gửi chia sẽ về mail haonv1@dms.gov.vn. Xin cảm ơn!
(Còn nữa)