Bài 4: Tự sự “những nút thắt tưởng chừng không tháo gỡ”
Bài 1: Cùng nhìn lại những chuyến hàng xưa
Bài 2: Quản lý thị trường, những bước chân truy vết
Bài 3: Những bước chuyển mình lên ngành dọc
Ngày đầu mới bước chân vào nghề, hồi đó là năm 2010, tôi còn nhớ như in cái ngày mình bước chân vào lực lượng, một ngày mưa thật to, nước quê tôi dâng cao lên tận đầu gối. Tôi mừng vì mình có một công việc ổn định, gần nhà sau chuỗi thời gian xa quê học tập nhưng trong lòng thì không an vì thời tiết như báo hiệu chuỗi ngày giông bão, khó khăn cho hành trình lập nghiệp của tôi. Rồi thì công việc với một công chức mới như tôi cũng dần dần đi vào nề nếp, tôi chịu khó học tập, học hỏi, nỗ lực làm việc, cống hiến; thời gian qua đi tôi cũng thực sự quen và dần yêu nghề hơn, mặc dù tôi với nó gần như xa vời cả trong suy nghĩ lẫn hành động; công việc từng ngày đã cho tôi nhiều kinh nghiệm, kỷ niệm đẹp, vui có, buồn có, thất bại không ít và thành công cũng nhiều.
Nghề “Quản lý thị trường” dần trở nên thân thuộc trong tôi, những người thân quanh tôi và xã hội khi màu áo “thị trường” có mặt trên mọi nẻo đường, từ thành phố đông đúc đến những miền quê heo hút, từ buổi ngày cho đến những đêm thâu, dù ngày mưa hay ngày nắng, những công chức “QLTT” vẫn miệt mài đi tìm những “hàng hóa, dịch vụ” vi phạm pháp luật để kiểm tra, xử lý. Một nghề tưởng chừng như không có gì gian nan, vất vả nhưng những ai đã từng nếm trải nó thì đều cảm nhận được những khó khăn, rủi ro và cả những hiểm nguy rập rình. Cùng với xu thế hội nhập, hợp tác sâu rộng, hoạt động giao thương diễn ra mạnh mẽ ở mọi thành phần kinh tế, lĩnh vực, mặt hàng, địa bàn; đây thực sự là thời cơ thuận lợi để phát triển kinh tế, ổn định chính trị, nâng cao đời sống cho nhân dân, hiện thực hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước song cũng đặt ra không ít thách thức, khó khăn cho xã hội nói chung và công tác “QLTT” nói riêng. Với sự len lỏi, trà trộn của nhiều đối tượng kinh doanh bằng những “hình thức tinh vi, khó lường nhất” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nhằm mang lại lợi nhuận cao nhất, bất chấp các hành vi, thủ đoạn vi phạm pháp luật như: Hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm ATTP, sở hữu trí tuệ và nhiều hành vi gian lận khác.
Điều này đặt ra bài toán khó cho công tác quản lý nhà nước nói chung và công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nói riêng. Nếu chúng ta ví “những đối tượng, hàng hóa, dịch vụ vi phạm” như là “những chiếc phi cơ” thì thực sự “những nhà quản lý, lực lượng QLTT” mới chỉ ngồi trên những chiếc “xe máy” để tìm kiếm, rượt đuổi những chiếc “phi cơ”. Đây là sự ví von không hề quá khi những “nút thắt” trong công tác quản lý nói chung, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính nói riêng còn chưa có bài toán tháo gỡ. Chúng ta có thể kể đến một số nút thắt khó khăn hiện nay như:
Thứ nhất, hệ thống văn bản pháp luật hiện hành chưa thực sự đồng bộ, chưa phát huy được sức mạnh của hệ thống chính trị đối với công tác quản lý thị trường. Đây là một chủ đề đã tốn khá nhiều bút giấy của các nhà lập pháp, nhiều ý kiến, kiến nghị của các cấp, ngành, địa phương. Song bài toán này mỗi năm chúng ta chỉ giải được một số phép tính và vẫn chưa có hồi kết. Chúng ta cố đi tìm những tồn tại để sửa đổi, khắc phục song lại nảy sinh những chồng chéo, bất cập khác hoặc những yếu tố mới mà chúng ta không tính toán hết hoặc chưa thực sự bắt kịp với thực tiễn. Vấn đề này được xem như một “nút thắt” khó tháo gỡ.
Thứ hai, nguồn lực (nhân lực, vật lực) chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của hoạt động công vụ. Đây cũng thực sự là một bài toán khó giải khi với xu hướng tinh giản biên chế thì để một lực lượng tăng biên chế là hết sức khó khăn. Như lực lượng QLTT hiện nay thì bình quân mỗi Đội chỉ có từ 6 - 8 công chức, quản lý địa bàn 2-3 huyện, thậm chí có những nơi 4 huyện, với phép tính sơ sơ thì mỗi công chức cũng phải quản lý địa bàn tầm 5 xã, phường, thị trấn và khoảng 500 tổ chức, cá nhân kinh doanh. Ngoài địa bàn thành phố, các thị xã, thị trấn, thị tứ với mật độ kinh doanh tương đối đông đúc thì nhiều địa bàn hoạt động kinh doanh phân tán, nhỏ lẻ, cách xa nhau hàng chục cây số. Đây thực sự là một khó khăn không nhỏ trong bối cảnh hiện nay, trong khi kinh phí hoạt động, trang thiết bị làm việc, phương tiện đi lại, thiết bị nhận biết, phát hiện hành vi vi phạm còn thiếu thốn, hạn chế. Nên chăng câu chuyện về một lực lượng như QLTT thì cần tính toán lại bài toán nguồn lực để tháo gỡ.
Thứ ba, sự đồng lòng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị (chính quyền, doanh nghiệp và người dân) đối với công tác quản lý thị trường. Chúng ta chắc hẳn ai cũng nhớ bài học đầu đời “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”. Dù cho “cây QLTT” có quyết tâm, nỗ lực nhưng nếu chúng ta không biết cách huy động sự vào cuộc của nhiều “cây khác” thì rõ ràng khó có thể thành “rừng” được. Vấn đề này nếu chỉ nghĩ thì tưởng chừng rất đơn giản nhưng để làm tốt thực sự không dễ, nút thắt này để giải cần có những tiếng nói chung, sự thấu hiểu, sẽ chia và sự quyết tâm cao độ. Lâu nay thực trạng đã có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, song đâu đó vẫn còn mang tính hình thức, sự vụ, chưa có sự đồng lòng, chưa quyết tâm, thậm chí vẫn còn những nhân tố vào cuộc mang tính gượng ép, nhất là một số doanh nghiệp, khi mà lợi ích cá nhân còn cao hơn lợi ích của xã hội, của nhân dân thì thật khó để có những tiếng nói chung nếu chúng ta không có cơ chế, không có giải pháp để ràng buộc trách nhiệm của 03 chủ thể này.
Thứ tư, chính nội tại các lực lượng nói chung, lực lượng QLTT nói riêng cần có sự chuyển mình mạnh mẽ, nhanh chóng hơn nữa để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của thực tiễn. Nếu chúng ta chỉ xếp hàng, nhìn nhau hô khẩu hiệu “chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại, chuyển đổi số” mà không thay đổi tư duy, cách làm, kiến thức, kỹ năng, không có những “con người chuyển đổi số” thì thành quả mang lại vẫn chỉ là những câu khẩu hiệu trên giấy tờ mà thôi. Nút thắt này tưởng chừng không tháo gỡ, khó tháo gỡ song hiện nay đã từng bước được tháo gỡ một cách nhịp nhàng, hiệu quả. Cùng đón đọc bài viết tiếp theo của tác giả để hiểu rõ hơn những phép tính căn cơ giải nút thắt nói trên bạn nhé.
(Còn nữa)